Tag sản phẩm

Quảng cáo

Tin tức chi tiết

“Phù phép” rác bẩn thành đồ nhựa gia dụng

PN - Đồ nhựa sử dụng trong chế biến, lưu giữ thực phẩm phải được sản xuất từ nhựa nguyên sinh để tránh độc hại, song không ít cơ sở kinh doanh lại sử dụng nhựa tái chế. Trong khi đó, người tiêu dùng không hề biết, phần lớn những chiếc túi ni lông, ống hút, hộp nhựa… sử dụng hàng ngày được tạo ra từ

 

Rác bẩn được rửa sơ sài qua guồng nước

Khi lợi nhuận che mắt

Vừa bước vào đầu làng Minh Khai (Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên), làng nghề chuyên sản xuất và tái chế đồ nhựa, chúng tôi đã thấy hàng chục chiếc xe tải chở rác thải nối đuôi nhau vào làng. Con đường nhỏ dập nát với nhiều ổ gà ổ voi và ngập ngụa trong những vũng nước thải đen ngòm, nhớp nháp được xả thẳng từ các cơ sở sản xuất. chai lọ, ni lông, bao tải, thùng xốp, vỏ mũ bảo hiểm… trải khắp trong sân nhà, ngoài đường đi. Mùi rác thải, mùi nhựa nấu quyện vào nhau khiến không khí càng trở nên ngột ngạt.

Theo ông Nguyễn Văn Thăng, trưởng thôn Tây Minh Khai, cả làng có 900 hộ dân, trong đó có tới 793 gia đình tham gia vào các khâu sản xuất, tái chế đồ nhựa. Mặt hàng chủ yếu của làng, bên cạnh những vật dụng như móc áo, ghế nhựa, ống dẫn nước… là túi ni lông, ống hút, muỗng, vỏ chai, vỏ hộp… được sử dụng trong lưu giữ, chế biến thực phẩm. Với hàng ngàn tấn hàng mỗi ngày, Minh Khai là đầu mối cung cấp mặt hàng nhựa trên khắp cả nước, đặc biệt là khu vực miền Bắc.

Khi hỏi về nguyên liệu để chế biến ống hút, chai lọ, ông Thăng khẳng định: “Tất cả hộ gia đình ở đây đều sản xuất từ nhựa nguyên sinh được nhập từ nước ngoài và an toàn với sức khỏe con người”.

Tuy nhiên, trong vai người học nghề, chúng tôi lại được ông N.V.M., một người có thâm niên ở làng chia sẻ: “Ít nhà dùng nhựa nguyên sinh lắm, hầu hết các mặt hàng đều được làm từ nhựa tái chế, giá rẻ”. Dẫn chúng tôi vào xưởng sản xuất, ông M. chỉ chục bao tải xếp ở góc nhà: “Mấy bao này đều là hạt nhựa tái chế cả, từ đây người ta cho vào máy, sử dụng nhiệt điện để thổi ra các loại mặt hàng tùy vào chất liệu hạt là nhựa cứng (PP) hay nhựa mềm (PE)”. Dù biết nhựa tái chế tiềm ẩn không ít nguy hại nhưng ông M. cho hay, nếu sử dụng bằng nhựa nguyên sinh thì giá thành cao nên lãi sẽ thấp. Một ký nhựa nguyên sinh có giá trên 50.000đ, trong khi đó, một ký nhựa tái chế chỉ có giá từ 12.000 - 15.000đ. Chính vì vậy, ông M. tiết lộ, với những loại hàng đặt, yêu cầu chất lượng cao và kiểm tra gay gắt, các đơn vị sản xuất thường trộn hạt nhựa nguyên sinh và hạt nhựa tái chế để giảm một phần chi phí.

Ni lông, rác bẩn được đưa vào xay

Nhiều độc tố nguy hiểm

Để mục sở thị các công đoạn tái chế nhựa, chúng tôi có mặt tại cơ sở của anh Đ. ở Tây Minh Khai. Trong khu xưởng rộng khoảng hơn 30m2, một nữ công nhân thoăn thoắt dùng xẻng xúc những chiếc túi ni lông cũ đã qua sử dụng, bốc mùi và bê bết bùn đất qua bể nước để làm sạch. Gọi là bể nước nhưng thực ra đó chỉ là một khoang chứa có bề mặt rộng chưa tới 5m2. Và chỉ với những chiếc guồng sắt quay trong bể, khó có thể đảm bảo chất bẩn trên đống rác thải kia sẽ được giũ sạch. Ni lông sau khi được xé nhỏ tiếp tục đi qua hệ thống máy sử dụng nhiệt điện để hóa dẻo rồi tạo thành hạt nhựa, là nguyên liệu để gia công thành các mặt hàng mới.

Chỉ đứng được trong xưởng năm phút, chúng tôi đã cảm thấy ngạt thở, khó chịu vì mùi khói, nhựa bốc lên nồng nặc. Một công nhân trong xưởng cười: “Mùi nhựa cũng bình thường thôi, chủ yếu là mùi từ đống bao bì ở ngoài cổng kia bốc lên”. Nói đoạn, anh này chỉ cho chúng tôi đống vỏ bao chất cao như núi ngay ở bên hông xưởng. Đây là bao bì chuyên chứa phân đạm, đã qua sử dụng và được cơ sở nhập về từ Phú Thọ. Cũng giống như đống ni lông kia, chỉ cần đưa vào guồng quay, giũ năm, ba lượt, những chiếc vỏ chứa phân đạm độc hại này lại được “hóa kiếp” thành những vật dụng đẹp như mới mà chẳng ai biết.

Trao đổi với PV Báo Phụ Nữ, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) phân tích: “Nhựa là polymer được tổng hợp từ các monomer. Monomer là chất độc, có khả năng hòa tan trong nước và thực phẩm nên dễ dàng đi vào cơ thể người. Đặc biệt, nhựa đã sử dụng sẽ bị phân giải do hóa chất và nhiệt nên giải phóng ra rất nhiều monomer. Loại nguyên liệu này tuyệt đối không được sử dụng để tái chế những mặt hàng liên quan đến “miệng” và “mắt” như kính mắt, bao ni lông đựng thực phẩm, hộp nhựa, ống hút”. Tiến sĩ Thịnh cho biết, ngay cả nhựa nguyên sinh khi chế biến những mặt hàng này cũng phải lựa chọn rất kỹ vì không phải loại nhựa nào cũng phù hợp và an toàn. “Hơn nữa, hầu hết các cơ sở đều cho hóa chất trong quá trình hóa dẻo để gia công, hóa chất này sẽ đi vào trong nhựa. Mặt khác, quá trình làm sạch không đạt tiêu chuẩn, sản phẩm sẽ sinh ra rất nhiều độc tố gây nguy hiểm tới sức khỏe con người”, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo.

Huyền Anh